VU LAN – MÙA HIẾU HẠNH
22/08/2023
Lễ Vu Lan là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo và những người theo đạo Phật. Đây là dịp để mọi người bày tỏ lòng tưởng nhớ, đền đáp công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Với ý nghĩa nhân văn to lớn đó, lễ Vu Lan đã lan rộng, trở thành ngày lễ báo hiếu cha mẹ của người dân Việt. Lễ diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm.
Lễ Vu Lan diễn ra vào 15/7 âm lịch hằng năm (Nguồn ảnh: Canva)
1. Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan là một lễ hội có từ lâu đời, một truyền thống hết sức nhân văn của văn hóa Á Đông, diễn ra ở nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ của Đại đức Mục Kiền Liên. Ông là một trong hai đại đệ tử đáng kính của Phật Thích Ca. Sau khi đạt được chính quả, ông dùng phép thần thông và biết rằng mẹ mình là bà Thanh Đề đang phải chịu kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục vì nhiều nghiệp ác đã gây ra lúc sinh thời.
Với lòng hiếu thảo, ông đã mang cơm đến cho mẹ nhằm mong bà vơi đi cảnh đói khát. Tuy nhiên, vì phải trả giá cho những nghiệp ác của mình, thức ăn khi vừa đưa lên miệng bà thì bất ngờ biến thành lửa đỏ.
Quá đau lòng trước tình cảnh ấy, Mục Kiền Liên đã quay về gặp Đức Phật mong tìm cách cứu mẹ. Đức Phật đã chỉ dạy rằng: “Người dù có thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu rỗi mẹ mình, chỉ có thể nhờ sự hợp lực của các vị chư tăng mười phương, hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác mới có hy vọng giải thoát được. Và ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh các vị chư tăng, vì vậy hãy chuẩn bị các nghi lễ cúng vào ngày đó”.
Tuân theo lời dạy của Đức Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát được mẹ mình khỏi kiếp ngạ quỷ. Theo kinh Vu Lan Bồn, Đức Phật cũng dạy rằng: “Chúng sinh muốn báo hiếu đối với cha mẹ cũng nên tuân theo cách làm này”.
Từ đó, ngày rằm tháng 7 âm lịch được coi là ngày Vu Lan báo hiếu, là dịp để con cháu báo hiếu cha mẹ, tổ tiên.
2. Các nghi lễ, hoạt động trong ngày lễ Vu Lan
2.1. Đi chùa cầu bình an cho cha mẹ
Vào dịp lễ Vu Lan, nhiều người thường tới chùa tham gia các hoạt động cầu an, cầu sức khỏe cho cha mẹ và gia đình được an lành đồng thời tỏ lòng báo hiếu với ông bà tổ tiên. Khi đi lễ chùa, nếu may mắn còn mẹ cha, bạn sẽ được gắn một bông hồng đỏ lên áo, nếu như không may, cha mẹ không còn nữa, bạn sẽ được gắn một bông hồng trắng. Với những ai được cài bông hồng đỏ, đó là một niềm vui lớn cũng như lời nhắc nhở họ luôn kính trọng và đối xử tốt với cha mẹ. Đối với những người cài hoa trắng, đó là một lời nhắc nhở quan trọng để họ không bao giờ quên ơn cha mẹ.
Mọi người tới chùa cầu an trong ngày lễ Vu Lan (Nguồn ảnh: Canva)
2.2. Chuẩn bị mâm cơm cúng lễ Vu Lan
Vào dịp lễ Vu Lan, người Việt thường làm mâm cơm cúng để bày tỏ lòng biết ơn, thể hiện chữ hiếu với gia đạo tổ tiên. Các gia đình thường chuẩn bị ba mâm cơm, đó là mâm cơm lên bàn thờ Phật (nếu nhà có ban thờ Phật), bàn thờ gia tiên và cúng chúng sinh. Trong đó, lễ cúng Phật và gia tiên được làm vào ban ngày ở trong nhà. Còn lễ cúng chúng sinh thường được thực hiện vào buổi chiều tối ở ngoài trời.
Một trong những hoạt động chính trong lễ Vu Lan là chuẩn bị mâm cơm cúng (Nguồn ảnh: Canva)
-
Mâm cơm cúng Phật
Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo, xuất phát từ tích đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Chính vì vậy, người đạo Phật chuẩn bị cho ngày lễ này hết sức kỹ càng, nhất là mâm cúng đặt lên bàn thờ Đức Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát. Đối với mâm lễ cúng Phật thì bạn chỉ cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản.
-
Mâm cơm cúng gia tiên
Mâm cúng gia tiên (hay còn gọi là mâm cúng thần linh, ông bà tổ tiên) thường sẽ cúng theo hình thức “trên chay dưới mặn”, có nghĩa là hoa quả ở trên còn dưới là cỗ mặn. Mục đích cúng gia tiên trong dịp lễ này nhằm để tưởng nhớ những người đã khuất, thể hiện rằng con cháu đời sau vẫn luôn nhớ về tổ tiên đời trước.
-
Mâm cơm cúng chúng sinh
Lễ Vu Lan trùng với ngày Rằm tháng 7(lễ Xá tội vong nhân) theo phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế; đây cũng là ngày mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh.
Cúng chúng sinh (còn gọi là cúng thí thực hay cúng cô hồn) là lễ cúng nhằm giúp đỡ, làm phúc cho những cô hồn đói khát, lang thang, vất vưởng, không có người thờ cúng, được một ngày no say, nhằm tránh họ quấy phá ảnh hưởng đến cuộc sống.
2.3. Thả đèn hoa đăng
Một trong những nghi thức nổi bật của mùa Vu Lan là lễ thả hoa đăng. Hoa đăng hay còn gọi là đèn lồng thường được làm bằng giấy dán thành hình bông sen, bên trong đặt một ngọn đèn hoặc cây nến. Vào đêm lễ Vu Lan, hoa đăng được thả xuống sông hoặc hồ, mang ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất, kèm theo lời cầu nguyện bình an.
Thả đèn hoa đăng cầu bình an (Nguồn ảnh: Canva)
3. Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan là một ngày lễ đặc biệt của Phật giáo, để chúng ta thể hiện lòng biết ơn đến cha mẹ, ông bà cũng như tưởng nhớ đến những người đã khuất. Lễ còn là để hướng thiện, tích đức, cầu mong cho những người thân yêu được gia tăng phúc, thọ và giải trừ những nghiệp chướng. Hãy duy trì truyền thống tốt đẹp này và trân trọng những giá trị gia đình trong cuộc sống.
F-Hotel & Apartment chúc bạn và gia đình có một mùa Vu Lan thật ý nghĩa.