DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐẠO CỦ CHI

08/08/2023

Địa đạo Củ Chi là di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng tại Sài Gòn. Được mệnh danh là “thành phố trong lòng đất”, với hệ thống phòng thủ kiên cố, tinh vi, địa đạo thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước tham quan khi đến thành phố Hồ Chí Minh.

Một trong những lối vào địa đạo Củ Chi (Nguồn ảnh: Shutterstock)

1. Tìm hiểu về địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất thuộc huyện Củ Chi và cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 70km. Nơi đây được xây dựng để phục vụ cho thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống này được quân kháng chiến Việt Minh và Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. 

Hệ thống địa đạo bao gồm nhiều phòng ở, bệnh xá, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, đường ngầm dưới lòng đất và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh, trên vùng đất được mệnh danh là “đất thép” để ca ngợi ý chí phòng thủ kiên cường của quân dân nơi đây.

Địa đạo Củ Chi hiện đang được bảo tồn ở hai địa điểm:

  • Địa đạo bến Dược: ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi.
  • Địa đạo bến Đình: ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, Củ Chi.

 

Lối vào bên trong địa đạo (Nguồn ảnh: Shutterstock)

2. Có bao nhiêu tầng trong địa đạo

Địa đạo Củ Chi có tổng chiều dài toàn tuyến gần 250km. Về độ sâu, địa đạo được chia thành 3 tầng:

  1. Tầng 1 (độ sâu khoảng 3m): Có thể chống lại được đạn pháo cũng như sức nặng của xe tăng, xe bọc thép.
  2. Tầng 2 (độ sâu khoảng 5m): Có thể chống được bom cỡ nhỏ.
  3. Tầng 3 (độ sâu khoảng 8 đến 10m, một số đoạn lên đến 12m): Có thể chống được hầu hết các loại bom đạn.

 

  Sơ đồ xung quanh khu vực địa đạo Củ Chi (Nguồn ảnh: Shutterstock)

3. Khám phá khu di tích địa đạo Củ Chi

3.1. Địa đạo bến Dược
Tham quan hầm địa đạo Củ Chi

Khu hầm địa đạo Củ Chi là địa điểm mang đậm ý nghĩa lịch sử, đến đây bạn sẽ được khám phá vào bên trong những đường hầm nằm sâu dưới lòng đất. Đoạn hầm tham quan dài khoảng 120m với 2 tầng, đa số đã được nới rộng cho khách tham quan thoải mái hơn. Bạn sẽ bất ngờ với những trải nghiệm, những đoạn đường hầm mà quân dân ta đã trú ngụ, hoạt động trong suốt những năm chiến đấu chống địch.

 

Đường hầm bên dưới địa đạo (Nguồn ảnh: Shutterstock)

Khu vực tái hiện chiến tranh

Bạn sẽ được xem lại toàn bộ cuộc chiến tranh ở địa đạo Củ Chi khi đến khu vực này. Với những mô hình sinh động và lời thuyết trình hào hùng, bạn có thể trải nghiệm và mở mang tầm mắt khi xem những khung cảnh tái hiện cảnh sinh hoạt, cuộc sống thường nhật, chiến đấu của quân dân ta dưới địa đạo trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ.

Bạn cũng có thể tham quan khu phục dựng các thắng cảnh nổi tiếng ở nước ta như cầu Long Biên, chùa Một Cột, bến Nhà Rồng….

 

Nhiều điều thú vị cho bạn khám phá (Nguồn ảnh: Shutterstock)

Khu bắn súng 

Là khu vực được nhiều người yêu thích, Cả bến Dược và bến Đình đều có khu vực bắn súng dành cho những du khách muốn trải nghiệm bắn đạn thật. Yêu cầu bắt buộc khi tham gia trò chơi là bạn phải có sức khỏe tốt và trên 16 tuổi. Bạn sẽ được các nhân viên nơi đây hướng dẫn cách tháo lắp, sử dụng súng và có thể thử tài “thiện xạ” với những bia ngắm đã được đặt sẵn.

 

Khu bắn súng thể thao thu hút đông đảo du khách tham gia (Nguồn ảnh: Shutterstock)

3.2. Địa đạo bến Đình

Được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia, đây là căn cứ vững chắc và an toàn của lãnh đạo huyện Củ Chi trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ. Bạn sẽ được khám phá hệ thống đường hầm, nơi sinh hoạt, phòng hội họp, hầm chế tạo vũ khí… Và thú vị hơn khi bạn tận mắt trải nghiệm bếp Hoàng Cầm giấu khói, nhìn thấy xác của chiếc xe tăng M41 của quân đội Mỹ, chiến lợi phẩm mà quân ta thu được năm 1970 nằm giữa khu rừng.

Thêm vào đó, bạn sẽ được xem những đoạn phim tư liệu tại hội trường, nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống địa đạo Củ Chi.

 

Đường hầm bên dưới địa đạo (Nguồn ảnh: Shutterstock)

4. Nên đi vào thời điểm nào trong năm?

Mặc dù hoạt động quanh năm, bạn vẫn nên tránh mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) ở Nam Bộ. Tuy địa đạo không bị ngập nước nhưng tham quan vào thời gian này không được thuận tiện cho lắm vì sẽ có rất nhiều sình bùn làm vấy bẩn quần áo của bạn. Lý tưởng nhất vẫn là từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, và để đảm bảo chuyến đi suôn sẻ bạn nên xem dự báo thời tiết trước nhé.

5. Một vài lưu ý nhỏ khi du lịch địa đạo Củ Chi

  • Mặc dù không có quy định về trang phục khi tham quan, đến đây bạn nên chọn quần áo gọn gàng, tối màu, không quá chật hay bó sát vì phải di chuyển lên xuống căn hầm.
  • Nên đi giày thể thao hay sandal để thoải mái khi di chuyển.
  • Mang theo kem chống nắng, kem bôi chống côn trùng để sử dụng.
  • Những du khách sợ không gian hẹp hay huyết áp cao được khuyến cáo không nên đi vào các đường hầm nhỏ và nên chọn những đường hầm lớn hơn để tham quan.
Tham quan địa đạo Củ Chi được nhiều du khách lựa chọn để khám phá về lịch sử, những di tích chiến tranh hào hùng của dân tộc mà ông cha ta để lại. Đó là lòng cảm phục về trí thông minh, óc sáng tạo, tinh thần chiến đấu và sức chịu đựng của quân dân Củ Chi trong việc xây dựng và phát triển hệ thống.
F-Hotel & Apartment chúc bạn có một trải nghiệm tuyệt vời.