Ngày Quốc khánh Việt Nam diễn ra vào 2 tháng 9 hàng năm. Đây là ngày lễ trọng đại của dân tộc. Ngày này cách đây 78 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc và những hoạt động nổi bật của ngày lễ này nhé.
Chào mừng ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 (Nguồn ảnh: Shutterstock)
Lịch sử ngày Quốc khánh Việt Nam
Sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra một cuộc mít tinh đông đảo với hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân tham dự. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với đồng bào cả nước và toàn thế giới, bắt đầu từ nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới.”
Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân một nước tự do, độc lập.
Quảng trường Ba Đình-nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (Nguồn ảnh: Canva)